Nửa đời ngơ ngác

Giới thiệu

Vở diễn được Hội sân khấu Tp.HCM trao giải thưởng tác phẩm sân khấu năm 2010.

Tác giả: Trần Mỹ Trang – Hoàng Thái Thanh.

Dựa theo truyện ngắn “Chiều vắng” của Nguyễn Ngọc Tư.

Đạo diễn: NSƯT Thành Hội.

Thiết kế Sân khấu: Kim B - Thực hiện: Đình Vũ.

Âm nhạc: Trịnh Công Sơn - Duy Thoán.

Ca khúc chủ đề: Chuyện đoá quỳnh hương

Thể hiện: Hồ Quỳnh Hương-Thái Hoà

Chịu trách nhiệm nghệ thuật: NSƯT Thành Hội.

GĐSX: Lê Bảo Anh.

Diễn viên: Ái Như, Hồng Ánh, Tuyết Thu, Đại Nghĩa, Trí Quang, Hạnh Thuý, Hoàng Vân Anh, Khánh Vân, Công Hiển.

Vở kịch Nửa đời ngơ ngác được Trần Mỹ Trang và Hoàng Thái Thanh chuyển thể từ truyện ngắn "Chiều vắng" của Nguyễn Ngọc Tư.


So với nguyên tác, Nửa đời ngơ ngác không được kể bằng cái giọng văn thản nhiên nhưng buồn buồn của Nguyễn Ngọc Tư mà đầy ắp những nút thắt có thể lấy nước mắt người xem.


Đó là cảnh Lê, cô vợ trẻ, yêu chồng đến mức bỏ nhà theo không, nghe tin người mình thương bị công an bắt vì tội chở thuốc lá lậu. Để xin tội cho chồng, cô gái ấy phải quỳ mọp dưới chân người mẹ khắc nghiệt, xin mẹ can thiệp để chồng được minh oan. Sự thờ ơ của người mẹ và tiếng thét ai oán của một người phụ nữ trẻ khi biết mình đã bị sảy thai khiến người xem không ngăn được cảm xúc.


Thoát khỏi ngục tù, về mái nhà cũ thì người thương đã phải đi lấy chồng theo lệnh mẹ, đứa con chưa kịp thành hình cũng đã mất, Tư Nhớ ngây dại trong nỗi đau lẫn hận thù. Từ một người vui vẻ, hoạt bát, anh chỉ còn cái xác lầm lì, hằn học với tất cả mọi người.


Đỉnh điểm của sự hằn học của Tư Nhớ, chỉ có Út Lý, em gái của Lê, là người gánh chịu. Trước tội lỗi mẹ gây nên, thương cho một mái ấm bị xé nát, Út Lý dùng cả cuộc đời mình đề “bồi thường” cho Tư Nhớ.


Nửa đời ngơ ngác, nửa đời lo toan cho một món nợ mà kẻ gây ra chẳng phải là mình, Út Lý như một ngọn đèn leo lét, thắp lên ánh sáng của tình người giữa cao ngất hận thù. Lấy cái chết giả để mong ánh sáng ấy có thể đánh động những người xung quanh, sự hồn nhiên của Út Lý khiến người ta vừa thương, vừa xót. Xót cho cái răng rụng của cô gái không còn trẻ và tiếc cho tuổi xuân thì của một thiếu nữ đã bước qua, vội vã...


Hóa thân vào một cô gái rồi tiếp đó là một bà cô già, chưa chồng, diễn xuất tự nhiên của Hồng Ánh thuyết phục hoàn toàn người xem. Hỗ trợ hết mình cho Hồng Ánh, những bạn diễn của cô, từ Trí Quang, Ngọc Lan đến Quang Thảo, Kim Phước... đều phối hợp với nhau ăn ý, nhịp nhàng.


Chỉ tiếc cho vai diễn Lan “dẹo” hơi quá tay của Như Phúc làm cho bức tranh trầm buồn toàn cục bị phá vỡ. Tuy nhiên, thử nghiệm của một diễn viên đã quen thuộc với những vai lành tính trên sân khấu kịch như Như Phúc cũng là đáng được cổ vũ.


Đón nhận hạnh phúc muộn, cũng là lúc Tư Nhớ ngộ ra tấm lòng người mẹ. Sinh dưỡng, nâng niu con gái mình để rồi phải xa con mà không có được chén trà của người con rể, yêu thương của bà Hai đã thành thù hận. Thế nhưng, cái gốc của thù hận vẫn là yêu thương.


Chứng kiến Tư Nhớ và Út Lý lủi thủi một mình như hai cái bóng chẳng thể song hành, bà Hai cũng chỉ biết chép miệng chờ đợi một lời xin lỗi. Đứng ở phía bên kia mà khơi thông, dãi bày để người xem hiểu hơn tâm sự một nhân vật cay nghiệt, đó là cách nhìn mới mà Nửa đời ngơ ngác mang đến cho khán giản. Phía bên kia cái ác, vẫn là tấm lòng bao dung, đong đầy của người làm mẹ.


(theo DNSG)



LƯU Ý:

* Vui lòng không đưa trẻ em dưới 6 tuổi vào xem kịch dành cho người lớn. Trẻ em trên 6 tuổi phải có vé.

* Khán giả đến xem phải có thẻ xanh tiêm phòng COVID-19 hoặc giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh trong vòng 06 tháng.

* Vui lòng đeo khẩu trang khi vào sân khấu và ở nơi đông người.