Nửa Đời Hương Phấn

Giới thiệu

Nguyên tác cải lương: HÀ TRIỀU - HOA PHƯỢNG

Chuyển thể kịch nói: HOÀNG THÁI THANH

Đạo diễn: ÁI NHƯ

Thiết kế sân khấu: Họa sĩ Lê Văn Định

Thực hiện trang trí: Nhóm Đình Vũ

Trailer: Đức Huy

Thành phần diễn viên: NSƯT Thành Hội, Ái Như, Hồng Ánh, Hoàng Vân Anh, Đoàn Thanh Tài, Tấn Đạt, Quốc Thịnh, Lương Duyên, Nguyễn Long, Thanh Duy (Sĩ Hoàng), Như Ngọc

Vở kịch Nửa đời hương phấn được chuyển thể từ vở cải lương nổi tiếng của hai tác giả Hà Triều - Hoa Phượng, nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như hy vọng đem đến sự hấp dẫn cho khán giả bằng những kịch tính được đan cài.


Nửa đời hương phấn của tác giả Hà Triều - Hoa Phượng nói về cuộc đời cay đắng của người kỹ nữ tên Hương. Cuộc sống nghèo khó đẩy cô đến tình cảnh phải thay tên đổi họ, rời quê lên Sài Gòn làm kỹ nữ. Tại đây, cô vướng vào tình yêu với Tùng, một chàng trai mồ côi, sống nhờ sự bảo trợ của người bác ruột. Trong hoàn cảnh tình yêu bị cấm cản, gia đình ruồng rẫy, Hương tìm đến cửa chùa nương nhờ quãng đời còn lại. Tình cờ, Diệu, em gái Hương lại trở thành vợ Tùng. Sau khi biết được những ẩn ức của Hương, Tùng cùng vợ và mẹ đến chùa xin Hương hoàn tục. Bỏ mặc mọi lời khẩn cầu, Hương quyết tìm quên "Nửa đời hương phấn" trong chiếc áo nâu sòng cùng những lời tụng niệm.


Nghệ sĩ Ái Như cho biết, ê-kíp chuyển thể tôn trọng tối đa nguyên tác kịch bản cải lương bởi đây vốn là tác phẩm từng làm nức lòng bao thế hệ khán giả miền Nam. Để tăng tính hấp dẫn khi chuyển thể kịch nói, chị và nghệ sĩ Thành Hội cố gắng đan cài nhiều kịch tính xoay quanh cuộc đời nhân vật chính. "Cái khó của chúng tôi là làm sao chuyển tải cảm xúc trong lời ca thành cảm xúc trong câu thoại bên kịch nói. Thoại bên kịch thường không đủ nhạc tính để chuyển tải cảm xúc như khi nghệ sĩ ca diễn một câu vọng cổ trên sân khấu", nghệ sĩ Ái Như cho biết.


Trong vở diễn có sử dụng các ca khúc:

"Kiếp nào có yêu nhau" của nhạc sĩ Phạm Duy, do nữ danh ca Thái Thanh và ca sĩ Tuấn Ngọc trình bày

"Tiếng xưa" của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước do danh ca Thái Thanh trình bày



LƯU Ý:

* Vui lòng không đưa trẻ em dưới 6 tuổi vào xem kịch dành cho người lớn. Trẻ em trên 6 tuổi phải có vé.