Ngôi nhà thiếu đàn bà

Giới thiệu

Tác giả: Ngọc Linh

Biên tập: Hoàng Thái Thanh

Đạo diễn: Ái Như

Thiết kế sân khấu: Kim B

Thực hiện trang trí: Thế Hưng - Đình Vũ

Chọn nhạc: Thanh Hoàng

Chỉ huy đêm diễn: Như Ý

Thành phần Diễn viên: NSƯT Thành Hội, Ái Như, Tuyết Thu, Ngọc Tưởng, Kim Phước, Ngọc Duyên, Huỳnh Thiện Trung, Nguyễn Long, Kỳ Thảo, Hoài Thương

Câu chuyện Ngôi nhà thiếu đàn bà bắt đầu bằng những tình tiết đời thường trong cuộc sống gia đình, từ nồi vịt kho gừng, bình hoa chuẩn bị kỉ niệm 25 năm ngày cưới, đến chuyện ghen tuông vặt vãnh … Rồi bỗng dưng tai nạn giao thông cướp mất bà Uyên và cô Hạnh, khiến ông Hải trở nên cô đơn trong ngôi nhà thiếu vắng vợ con. Rồi xuất hiện những con ma cùng nhà ngoại cảm. Đó là linh hồn bà Uyên và Hạnh, vẫn luẩn quẩn dưới mái nhà thân thuộc. Câu chuyện mở ra một ý nghĩa khác, đánh động, sâu xa, khiến người ta bật khóc mà suy ngẫm lại cuộc sống trong chính gia đình mình.


Hình như hai nhân vật ông Hải và bà Uyên rất giống với nhiều cặp vợ chồng ngoài đời. Họ dễ dàng cãi nhau vì những chuyện chẳng đâu vào đâu. Những thói tật rất đàn bà được Ái Như vạch ra đúng chóc: hờn giận vặt, bắt quàng chuyện nọ xọ chuyện kia, ghen bóng ghen gió, hở ra là đòi li dị…Vì thế mà những tháng ngày họ sống bên nhau lẽ ra đầy ấp yêu thương thì lại tràn ngập mệt mỏi, khiến lắm lúc họ nghĩ rằng sống một mình hẳn phải…khỏe hơn. Và họ chưa bao giờ hình dung một ngày sẽ mất đi những người thân yêu đó.


Vậy mà ngày ấy đã tới. Ông Hải đắm chìm trong đau khổ, nhớ thương. Còn bà Uyên và Hạnh thì không chấp nhận nổi sự thật là mình đã chết. Họ cứ muốn trở về, ôm lấy người chồng, người cha, người yêu. Họ luôn muốn thốt lên lời ân hận. Họ ước thời gian quay trở lại để họ có thế sống tốt hơn, biết dung hòa nhẫn nhịn nhau hơn. Ông Hải cũng ước ao còn vợ con để ông sẽ bớt việc cơ quan mà dành thời gian chăm sóc họ, để còn được nghe những lời cắn nhằn, đai nghiến. Những gì trước đây làm họ bực bội thì giờ lại là kỉ niệm quý giá. Nhưng, thời gian làm sao quay trở lại? Hai bóng ma gào khóc với những ăn năn, cứa vào vào trái tim người xem nổi niềm tương tự: hình như ta chưa bao giờ sống hết lòng với những người thân yêu? Hình như ta chưa từng biết trân trọng từng phút giây bên nhau, để khi mất đi mới thấy tiếc nuối.


Nhưng vở kịch đã cho một cái kết có hậu. Ông Hải cuối cùng đã tìm được một bến bờ yêu thương mới, gác lại một quá khứ buồn thương. Đó là cô giáo Ngọc đảm đang, dịu dàng. Và cả bà Uyên cũng an lòng từ giã ngôi nhà của mình để đi đầu thai kiếp khác, vì đã tìm được một “hóa thân” của mình cho ông Hải.


Lớp diễn nhà ngoại cảm Mộng Hoài bất lực vì không thế liên hệ với hồn ma, thì chính cô Ngọc đã giả giọng để nói đúng những lời bà Uyên muốn nói. Không phải sự mê tính, mà là sự đồng cảm của hai phụ nữ có cùng một tình yêu tha thiết như nhau. Chính sự đồng cảm đã hiện thành ngôn ngữ, để động viên ông Hải và Triều – người yêu của Hạnh. Khán giả đã thở phào nhẹ nhõm chứng kiến sự siêu thoát của hai hồn ma.


Bi kịch Ái Như dựng luôn có đủ sự trầm lắng tinh tế, hài hước, thừa sức cuốn hút cả lớp trẻ lẫn trung niên, cả nam lẫn nữ.


Khen Ái Như giỏi cũng … bằng thừa. Trong vở này, mỗi lần chị xuất hiện, đều tươi tắn lạ lùng trong vai nhà ngoại cảm để thương. Các nghệ sĩ khác cũng không hề kém cạnh, tất cả đã cùng nhau tung hứng rất nhuần nhuyễn. Sân khấu Hoàng Thái Thanh không hề dung nạp lối diễn hời hợt, họ đã làm thì làm hết sức, hết lòng.


(theo tuoitre)



LƯU Ý:

* Vui lòng không đưa trẻ em dưới 6 tuổi vào xem kịch dành cho người lớn. Trẻ em trên 6 tuổi phải có vé.