Mơ Trăng Bóng Nước

Giới thiệu

Tác giả: Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thị Minh Ngọc

Đạo diễn: Thành Hội

Diễn viên: Thành Hội, Ái Như, Quý Bình, Ngọc Tưởng, Tuyết Mai, Lê Thúy, Ngọc Duyên, Thế Hải, Nguyễn Long, Tấn Đạt, Hoàng Kim

Vở diễn Mơ Trăng Bóng Nước, một cảm tác từ truyện ngắn "Tình Lơ" của Nguyễn Ngọc Tư, được dàn dựng trên Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.


Người ta thường không thể đưa ra được lý do yêu một người, không biết phải làm gì cho hợp lẽ trong tình yêu, càng không cách gì có thể dừng lại tình cảm ấy … Sự vô chừng này và niềm vui được sống một cách “không lý lẽ” này chỉ có được ở một giai đoạn – ắt hẳn đó là giai đoạn đẹp trong đời mỗi người…


Giai đoạn thật đẹp ấy trong cuộc đời của Lược (Quý Bình) là vào một tối cuối tuần, diện quần áo ra sân vận động xem chiếu bóng, nhường đôi dép cho một người xa lạ ngồi dưới sân cỏ (còn mình ngồi dưới đất), dù là lần đầu quen biết cũng không chút đắn đo khi ngồi cạnh người ta, ngửa mặt lên trời nghêu ngao “yêu ai yêu cả một đời…”. Rồi không hẹn hò gì mà tìm, lặn lội đến tận nhà …


Vì sao lại nhớ mái tóc dài ấy? Vì sao chỉ một lần gặp mặt là muốn cưới bằng được?... Và đến cả sau này, vì sao chỉ thấy cơm ngon khi ăn cùng món giò heo giả cầy của người ấy nấu? Vì sao chỉ có người ấy là nói năng hay ho, chững chạc?...


Sẽ còn nhiều cái “vì sao” nữa mà Lược hay cả những người sáng suốt nhất cũng không thể nào trả lời được. Đó là lúc mà chàng trai trẻ đang được mơ – mơ “trăng bóng nước” với tất cả những vẻ đẹp lung linh trong lòng…


Đẹp hóa ra lại buồn. Bởi điều đó cũng làm cho anh phải loay hoay trong sự dằn vặt, đắn đo giữa “bóng trăng” và những con người thật bên cạnh mình. Đó là Bảy Gương (Lê Thúy), cô vợ cưới nhầm của Lược, đẹp người đẹp nết, mỗi ngày vào ra trông đợi nụ cười và những câu nói ngọt ngào của chồng. Là Sáu Giá (Tuyết Mai) đã không còn là cô gái ở sân bóng ngày xưa, giờ là cô chị vợ vừa quý vừa ngại ông em rể cứ còn đem lòng nhớ chuyện cũ…


Cái lừng chừng, rối rắm trong mối quan hệ tay ba làm nên những tình huống kịch vừa bi vừa hài. Anh Lược sẽ quyết liệt mơ như tính cố chấp của mình? Cô vợ sẽ chọn sống cho mình hay chờ tình thương của chồng? Cô Sáu Giá sẽ làm gì trong cảnh vừa là “bóng trăng” vừa là chị vợ?… Họ đều còn rất trẻ, ai phải hy sinh cho ai? “Trăng bóng nước” có vẻ không chỉ là chuyện của người trẻ, người già trong kịch cũng “nuôi trăng” theo cách của mình. Một cách âm thầm và ý nhị hơn, cô Đơn (Ái Như) – (bà mối của câu chuyện mai mối cho Gương – Lược) có món ăn gì ngon cũng chắt chiu, nghĩ đến anh Hai Nhiễu nhà hàng xóm (NSƯT Thành Hội); Ông Hai “tình trông như đã” - cần lắm mấy viên thuốc, lời hỏi han lúc ốm đau nhưng còn ngập ngừng vì nghĩ đến đàn em duyên nợ dở dang… Họ đã sống hy sinh cả đời, hy sinh thêm lần nữa (cho tình cảm gần như cuối đời) có là phải lẽ?


Một câu chuyện si tình của nhiều thế hệ, thuộc dòng chính kịch nhưng không được chọn kể theo lối bi mà ngược lại, có duyên, đáng nhớ bởi nhiều tình huống hài hước, dưới góc nhìn tự nhiên, lạc quan, hồn hậu của người Nam Bộ.


Bên cạnh sự dung dị, trữ tình và nhiều chi tiết đời sống đắt giá của sông nước miền Tây vốn là thế mạnh của đạo diễn Thành Hội, điểm sáng nữa của vở diễn này là sự chín mùi trong diễn xuất của Quý Bình và dàn diễn viên trẻ. Vai Lược đầy mâu thuẫn, vừa trẻ vừa già, vừa tình cảm vừa ngang bướng được lột tả khá đậm đà. Cùng với dàn bao Ái Như, Thành Hội và những diễn viên đã thành danh của Hoàng Thái Thanh: Ngọc Duyên, Tuyết Mai, Ngọc Tưởng…, vai nữ chính của vở được trao cho Lê Thúy – gương mặt đào lần đầu xuất hiện trên sân khấu chính kịch.



LƯU Ý:

* Vui lòng không đưa trẻ em dưới 6 tuổi vào xem kịch dành cho người lớn. Trẻ em trên 6 tuổi phải có vé.