Bạch Hải Đường

Giới thiệu

Nguyên tác cải lương: Nguyễn Huỳnh

Chuyển thể thoại kịch: Hoàng Thái Thanh

Đạo diễn: Ái Như

Thiết kế sân khấu: Tomi Trương

Creative: Công Hiển - Qanbi

Nhiếp ảnh: Qanbi

Poster: Qanbi - Hương Mapu

Thực hiện cảnh trí: Nhóm Rambo Min

Diễn viên: NS Thành Hội, Trí Quang, NSƯT Tuyết Thu, Ái Như, Thanh Sơn, Thế Hải, Nguyễn Long, Tấn Đạt, Đức Tuấn, Phạm Natao, La Mindu, Ma Ran Đô, bé Hoài Phương

Đầu thập kỷ 60, tướng cướp Bạch Hải Đường làm điên đảo nhà chức trách Sài Gòn. Lực lượng cảnh sát huy động toàn bộ sĩ quan tìm kiếm danh tính tên tội phạm khét tiếng. Cho đến một ngày, sự thật về Bạch Hải Đường bị phơi bày, hé lộ sự thật không ai ngờ đến.


Câu chuyện kể về cuộc đời lắm dông gió của tướng cướp Bạch Hải Đường. Trong vỏ bọc của anh tài xế xe tải hiền lành, Đặng Hoàng Minh (diễn viên Trí Quang) trong mắt bao người là người chồng hiền lành, rất yêu vợ, sống có tình có nghĩa với bạn bè, người thân, đặc biệt là 2 người bạn: bầu Trung (diễn viên Thế Hải) - người say mê làm gánh hát cải lương và trưởng ty cảnh sát - cò Bằng (NSƯT Thành Hội).


Nhưng phía sau vẻ hiền lành chất phác ấy, Hoàng Minh là một tướng cướp khét tiếng. Anh cướp của người giàu chia cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Sự giúp đỡ âm thầm của anh đã giúp bao gia đình, hoàn cảnh tai ương vượt qua được số phận nghiệt ngã. Nhưng, rồi cũng có lúc mọi sự che giấu đều phơi bày, Bạch Hải Đường bị bắt. Câu chuyện với nhiều tình tiết gay cấn đã làm bao khán giả từng rơi lệ khi xem phiên bản cải lương, thì ở câu chuyện kịch trên sàn diễn Hoàng Thái Thanh, cũng khiến không ít khán giả rưng rưng, nghèn nghẹn khi dõi theo cảnh Bạch Hải Đường bị bắt, đau đớn khi bị vợ phản bội, buộc phải rời xa con gái nhỏ khi con còn nằm nôi.


Diễn viên Trí Quang thể hiện khá nhuyễn vai tướng cướp Bạch Hải Đường. Bên cạnh sự lạnh lùng của một tên cướp chuyên nghiệp, Trí Quang còn thể hiện rõ nét nỗi khát khao vươn lên của một con người từng bị khinh rẻ chỉ vì nghèo. Đó là một cuộc đời luôn bị oằn nặng chữ tình nợ với nhân gian. Những nặng nợ ân tình ấy đã tạo nên một Bạch Hải Đường có vẻ ngoài mạnh mẽ, lạnh lùng nhưng tận trong sâu thẳm là khao khát tình yêu thương, mong chờ vào một mái ấm gia đình hạnh phúc. Những đối nghịch tâm lý, những khắc khoải đời sống của con người trong xã hội muôn màu ấy đã khiến Bạch Hải Đường cuốn hút người xem.


Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đang tiếp tục đi đúng hướng phát triển của mình sau 11 năm duy trì hoạt động, luôn giữ vững phong độ là một sân khấu kịch nói chuyên dòng kịch tâm lý xã hội, khai thác khéo léo chiều sâu tính cách và tâm lý nhân vật. Điều thú vị khi thưởng thức vở kịch Bạch Hải Đường trên sân khấu Hoàng Thái Thanh còn là không gian xưa, những năm 1960 được tái hiện tinh tế qua các chi tiết, đạo cụ, không gian mà cả ê kíp thực hiện đã rất nỗ lực tạo nên một vở diễn chính kịch hấp dẫn và thú vị.


(theo Thúy Bình - SGGP)



LƯU Ý:

* Vui lòng không đưa trẻ em dưới 6 tuổi vào xem kịch dành cho người lớn. Trẻ em trên 6 tuổi phải có vé.

* Khán giả đến xem phải có thẻ xanh tiêm phòng COVID-19 hoặc giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh trong vòng 06 tháng.

* Vui lòng đeo khẩu trang khi vào sân khấu và ở nơi đông người.