29 Anh Về

Giới thiệu

Tác giả: Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thị Minh Ngọc

Đạo diễn: NSƯT Thành Hội.

Thiết kế sân khấu: Kim B

Thực hiện trang trí: Nhóm Đình Vũ

Chọn nhạc: Quốc Bảo

Ca khúc trong vở diễn: "Để gió cuốn đi" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Thể Hiện: Hợp Ca, Lý Hải

Diễn viên: Ái Như, Ngọc Tưởng, Ngọc Duyên, Hoàng Vân Anh, Nguyễn Long, Lê Thanh Bảo Anh, Hoài Thương, Tấn Đạt, Công Hiển

Giống như Nửa Đời Ngơ Ngác, cũng do NSƯT Thành Hội dàn dựng, vở 29 Anh Về (KB: Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thị Minh Ngọc) của Sân Khấu Kịch Hoàng Thái Thanh sau một số suất diễn hiệu quả, đã cho thấy tác phẩm này xứng đáng để những ai muốn vượt qua sự giải trí thường tình để xem lại nhiều lần, để ngẫm ngợi, vì thế, nó xóa bỏ luôn tính thời sự.


Vì bức điện tín của người chồng, mà suốt 25 năm, cứ mỗi tháng đến ngày 29, người vợ (cô giáo Diệu Hoài) phải ra ga chờ chồng trong mòn mỏi, đến mất trí. Nghe một tóm tắt như vậy, bạn có muốn biết lý do hay không?


Chia đớn đau để sống


Điểm khác biệt và có lẽ sức hấp dẫn duy nhất của kịch là mỗi suất diễn đều cần đến sự bất ngờ; càng về sau càng nhuần nhuyễn, thì chính lúc ấy diễn viên cần phải gìn giữ và phát triển cảm xúc, có như vậy khán giả mới khóc cười theo mình. Vở 29 anh về quy tụ khoảng 15 diễn viên, ngoài tuyến quần chúng, thì các tuyến còn lại đều có thân phận, trong đó rõ rệt nhất là ba người nữ: cô giáo Diệu Hoài (Ái Như thủ vai), bà lão (Thanh Thủy) và Mộng (Ngọc Lan). Vở diễn bắt đầu bằng sự tươi vui như chính cuộc đời của họ, để dần về sau, là sự dằn vặt vì đau khổ, vì hiểu lầm.


Có chút gì đó gợi tưởng giữa bức điện tín “29 anh về, em ra ga đón anh” với lời nói thoảng trong gió “anh yêu em” của văn hào Tchekhov, nhưng cái kết thì khác nhau. Trong “anh yêu em”, cô gái nhầm tưởng lời nói đùa kia là sự thật mà tương tư cho đến chết; trong vở kịch 29 anh về, người vợ có khoảng 300 lần ra sân ga chờ chồng, để cuối cùng biết rằng chồng đã chết ngay trên chuyến tàu đầu tiên, vào ngày 29, do bệnh thương hàn.


Cô giáo Diệu Hoài mất trí nên nghỉ dạy, gần như quên tất cả, chỉ nhớ mỗi ngày 29, nhớ đứa con trai và bức ảnh, đầu mối của sự sum họp muộn màng sau này. Suốt 2/3 vở diễn, người xem chung sống với nỗi đợi chờ và trách cứ vì sự quay lưng của người chồng, để cuối cùng thì cùng vỡ lẽ. Cái tài tình của kịch bản là cho Diệu Hoài sống cuộc đời một tháng, quên tất cả, chỉ đợi mỗi ngày 29 thôi. Bởi nếu người ta phải sống 25 năm trong u hoài như vậy, chắc sức người không chịu nổi.


Triết lý và câu hỏi then chốt được nghiệm ra từ vở kịch này là ta có thể sống đời dài trong một tháng được không? Hoặc ta sẽ như thế nào nếu suốt 25 năm phải lặp lại một vài hành động mang nặng dấu ấn tâm lý và giống hệt nhau?


Cuộc đời này khó khăn và cũng đáng sống bởi nó luôn thay đổi bất ngờ, chẳng ai đoán trước được. Thế mà ở ngã tư Cây Da Xà ấy, một người phụ nữ vì thủy chung đợi chồng mà phải chia cuộc đời mình thành 300 tháng để sống giống hệt nhau; để chia sự đớn đau và bớt thời gian chờ đợi. Thật đáng sợ và đáng khâm phục.


Tìm kiếm sự bao dung


Đạo diễn Thành Hội thật khéo léo khi cho Ái Như “đối đầu” với Thanh Thủy, bởi hai nhân vật này đã khác nhau, xuất thân là “kình địch” mẹ chồng nàng dâu, mà cách diễn của họ cũng khác, bên nhộn bên trầm, làm cho nỗi đau càng lộ rõ.


Ở tuyến phụ, Ngọc Tưởng (vai Thương) và Ngọc Lan, rồi Quang Thảo, Nguyễn Long… cũng đã có nhiều nỗ lực để bồi đắp cho vai diễn của mình thêm sinh động. Chính sự đầy đặn về tính cách của nhân vật phụ đã tôn tạo câu chuyện hai nhân vật chính thêm sâu sắc, bất ngờ và lấy được nước mắt ở các cao trào. Vở này có vài chi tiết vui nhẹ nhàng, nhưng có thể nói, đây thuộc diện bi kịch, dù nó không muốn thể hiện ra bằng các biến cố “động trời”. Một điểm đáng ý, ngoài đường dây câu chuyện được giữ rất chắc tay, thì các tình tiết và chi tiết lại rất điện ảnh, nó vượt qua tính ước lệ thường thấy của sân khấu. Sự chỉn chu này có hai tác dụng, giúp kể câu chuyện mạch lạc hơn và kéo khán giả lại gần sân khấu hơn. Bởi trong suy nghĩ của một bộ phận khán giả, kịch là cái gì đó rất xưa cũ, khó hiểu, không phù hợp với đời sống đô thị, vốn thực dụng và nhiều ảo giác.


Điểm sáng cuối cùng, trong cái xã hội mà sự dửng dưng và vô cảm đang lên ngôi, liệu những người tốt, có tấm lòng nghĩa hiệp sẽ sống ra sao? Chính vì lẽ đó, mà khi người mẹ già mất con (từ Huế vào Hóc Môn) tìm đứa con dâu mất chồng, cuộc gặp mặt có giận có hờn, nhưng trên hết là sự bao dung, bởi chẳng ai thực sự có lỗi trong bi kịch này. Nó giống khi định mệnh giáng xuống, đáng lẽ có thể vượt qua, nhưng vì một chút ích kỷ, nhỏ nhen, thiếu tỉnh táo… mà người ta phải trọn đời khổ đau.


Khán giả rất xót xa khi cô Diệu Hà vẫn mất trí khi vở kịch hạ màn, tưởng như thiếu cái kết có hậu cần thiết, nhưng không, nghiệm lại thì như vậy mới là tốt đẹp. Sở dĩ có được cuộc trùng phùng muộn màng, trong một cuộc đời rất dài, cô Diệu Hà phải chọn sống một tháng để đủ sức chờ đợi.


(theo thethaovanhoa)





LƯU Ý:

* Vui lòng không đưa trẻ em dưới 6 tuổi vào xem kịch dành cho người lớn. Trẻ em trên 6 tuổi phải có vé.

* Khán giả đến xem phải có thẻ xanh tiêm phòng COVID-19 hoặc giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh trong vòng 06 tháng.

* Vui lòng đeo khẩu trang khi vào sân khấu và ở nơi đông người.