Đêm nhạc Phương Dung - Giao Linh - Thái Châu
Giới thiệu
Ca sĩ: Phương Dung
Cô nổi tiếng năm 17 tuổi sau khi trình bày thành công bài hát "Nỗi buồn gác trọ" của Mạnh Phát và Hoài Linh vào năm 1962, sau đó tiếng hát càng được biết đến qua những bài hát như "Những đồi hoa sim" năm 1964 (Dzũng Chinh phổ thơ của Hữu Loan) và "Tạ từ trong đêm" năm 1965 (của Trần Thiện Thanh). Phương Dung được trao giải huy chương vàng dành cho nữ ca sĩ năm 1965, trong khi đó tác giả Trần Thiện Thanh nhận giải Bài hát xuất sắc nhất trong năm.
Phương Dung còn có danh hiệu là "Con Nhạn Trắng Gò Công"[1] do thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà tặng cho cô.
Cô đã thu âm rất nhiều vào dĩa nhựa 45 tours của các hãng dĩa Việt Nam: Sóng Nhạc, Sơn Ca, và sau đó là băng Akai của các trung tâm Continental, Trường Hải, Nhật Trường và đã thành công rất lớn. Khi nhắc đến những nhạc phẩm: "Những đồi hoa sim" (Dzũng Chinh và Hữu Loan), "Nỗi buồn gác trọ" (Mạnh Phát và Hoài Linh), "Tạ từ trong đêm" (Trần Thiện Thanh), "Khúc hát ân tình" (Xuân Tiên và Y Vân), "Đố ai" (Phạm Duy), "Sương lạnh chiều đông" (Mạnh Phát), "Tím cả rừng chiều" (Thu Hồ), "Vọng gác đêm sương" (Mạnh Phát), "Cánh buồm chuyển bến" (Minh Kỳ), "Nỗi buồn đêm đông" (Anh Minh), "Sắc hoa màu nhớ" (Nguyễn Văn Đông), "Biết đâu tìm" (Hoàng Thi Thơ), "Còn mãi những khúc tình ca" (Quốc Dũng)... thì khó phủ nhận tiếng hát Phương Dung đã gắn liền với những tình khúc đó của một thời chinh chiến.
Ca sĩ Giao Linh
Giao Linh (tên khai sinh: Đỗ Thị Sinh; sinh ngày 8 tháng 9 năm 1949) là một ca sĩ nhạc vàng Việt Nam. Bà được báo chí Sài Gòn trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 tặng cho biệt danh là Nữ hoàng sầu muộn[1] do tiếng ca và phong cách biểu diễn trầm buồn của bà.
Đỗ Thị Sinh sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình nghèo gồm bảy anh chị em nhưng không ai tham gia lĩnh vực nghệ thuật.[2] Bà đam mê ca hát từ thuở nhỏ, và mẹ bà vẫn lén mời thầy về dạy nhạc cho bà dù rằng người cha không đồng ý. Trong một chuyến đi chơi Đà Lạt vào năm 1965, khi Đỗ Thị Sinh bày tỏ ước muốn ca hát của mình với người bạn thân và xin tư vấn đặt nghệ danh thì người bạn gợi ý tên "Giao Linh" vì tin rằng "nghệ danh này sẽ gặp nhiều may mắn".[1][2]Giao Linh bắt đầu sự nghiệp ca hát kể từ dấu mốc giành huy chương vàng khi đại diện đoàn Air Vietnam tham dự chương trình văn nghệ của đoàn "Kim Hoàng - Như Mai" vào năm 1966. Trong một buổi giao lưu văn nghệ năm 1966, nhạc sĩ Thu Hồ nghe được giọng hát Giao Linh và cho bà cơ hội lên hãng đĩa Continental để thử giọng vào ngày hôm sau.[2] Thành công ở buổi thử giọng giúp Giao Linh kí được với hãng Continental hợp đồng thu đĩa độc quyền trong ba năm.[2] Sau khi hết hạn hợp đồng, Giao Linh tiếp tục cộng tác với các hãng đĩa khác cũng như ra mắt băng nhạc "Sơn Ca 6" với riêng giọng ca của mình.[3]
Năm 1982, Giao Linh rời Việt Nam sang Canada để đoàn tụ với gia đình. Tiệm phở "Linh" ở Toronto, Canada là nguồn sống chính của gia đình bà.[4] Bà kết hôn năm 1987[2] và về sau thì sang định cư ở San Jose, California, Hoa Kỳ. Bà đi hát nhiều nơi và thu âm nhiều băng đĩa cho các trung tâm ca nhạc, trong đó có Trung tâm Băng nhạc Giao Linh (Giao Linh Productions) của chính bà tại Westminster, California, Hoa Kỳ. Năm 2000, Giao Linh trở về Việt Nam biểu diễn.[2] Tương tự như khi còn ở Canada, bà cũng mở một quán phở ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh nhưng quán đã ngưng phục vụ do Giao Linh quá bận rộn với công việc.[2] Cho đến nay, giọng ca Giao Linh vẫn tiếp tục phục vụ khán thính giả yêu nhạc khắp mọi nơi. Bà còn tham gia các hoạt động từ thiện để trợ giúp đồng bào mình.
Ca sĩ Thái Châu
Năm Thái Châu 15 tuổi, năm 1966, anh theo gánh hát của mẹ là nghệ sĩ Kim Nên (cùng thời với các nghệ sĩ Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy Nga, Út Trà Ôn... ) ra Vũng Tàu lưu diễn. Anh có 4 anh em, ba anh là phó giám đốc của Công ty Cải lương Kim Chung, cả nhà hầu như đều sống với sân khấu cải lương và các đồng nghiệp của ba má anh đều tin rằng Thái Châu sẽ là hậu duệ của nghệ sĩ Kim Nên. Thế nhưng, tâm hồn cậu bé Trương Chiêu Thông (tên thật của anh) lại bị mê đắm bởi những tình khúc tân nhạc.Anh kể: “Tôi mê giọng ca của cậu Hùng Cường. Lúc đó ông là một ngôi sao, vừa ca được tân nhạc, ông còn đóng phim, diễn kịch, hát cải lương. Tôi không dám thố lộ với ba mẹ ước mơ làm ca sĩ, nhưng nuôi trong lòng niềm tin là mình sẽ đi hát tân nhạc. Mùa hè năm 1966, tôi ra Vũng Tàu, ban ngày phụ giúp ba mẹ một vài công việc của đoàn hát, ban đêm tôi tìm đến quán cà phê nhạc nơi có nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa (thổi sáo) và Trần Xuân Ngã (violon) làm việc để nghe các ca sĩ biểu diễn.
Ở quán này có giờ dành cho khán giả lên hát như phong trào Hát với nhau ngày nay. Tôi đăng ký lên hát, đêm đó có ba mẹ tôi đi xem và tôi đã hát ca khúc Lần đầu cũng như lần cuối (Minh Kỳ) mà cậu Hùng Cường thường hát. Không ngờ đêm đó hai nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa và Trần Xuân Ngã đã chính thức đề nghị tôi tham gia biểu diễn tại quán cà phê của hai anh. Năm 1969, tôi vừa đi học vừa tham gia biểu diễn tại phòng trà Đệ nhất khách sạn do chị Mai Lệ Huyền làm giám đốc. Một đêm, tình cờ chú Trần Văn Trạch (em của GS-TS Trần Văn Khê) đến nghe hát, ông ngỏ ý giới thiệu tôi về ban nhạc Shortgun của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
Tôi mừng còn hơn ai cho vàng vì ban nhạc này đang rất nổi tiếng, nhiều danh ca đã cộng tác và nhiều mầm non ca sĩ đã thành danh từ ban nhạc này. Sau giải phóng, trong những ngày đến các vùng biên giới phục vụ thanh niên xung phong, tôi và chị Thanh Tuyền, Phương Hồng Quế có ca vọng cổ. Hồi đó, tôi ca bài Cây sáo trúc, được thanh niên xung phong yêu thích lắm. Khi tôi về đoàn kịch nói Kim Cương, khán giả cũng rất thích tôi với những ca khúc như Tình đất đỏ miền Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông...”.